Giải pháp giúp giờ học online thu lại nhiều hiệu quả

GD&TĐ – Để đạt được hiệu quả trong tiết học online người giáo viên cần phải tìm ra những giải pháp giúp các em học sinh có thể tập trung và hứng thú với nội dung bài học.

93378707_3231202766930165_9021396732994387968_n

Thầy giáo Vũ Ba Sao trao đổi cùng các em học sinh giờ học online

Đối với phương pháp dạy học truyền thống, các thầy cô giáo có thể kiểm tra được mức độ hiểu bài, tỉ lệ kiến thức mà học sinh nắm được thông qua ánh mắt, cử chỉ hay biểu hiện cảm xúc trên gương mặt của các em. Từ đây người giáo viên biết được đâu là thời điểm thích hợp để cùng các em chuyển sang phần nội dung kiến thức mới.

Ngược lại khi chuyển sang hình thức học online thì sự tương tác, trao đổi giữa thầy và trò chỉ có thể thông qua màn hình của các thiết bị điện tử. Điều này khiến cho việc nắm bắt suy nghĩ, đánh giá hiệu quả học tập là vấn đề khiến nhiều thầy cô giáo cảm thấy khó khăn và lúng túng.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc dạy, học trực tuyến vẫn sẽ là giải pháp tối ưu với ngành giáo dục. Tuy nhiên, để khắc phục được những mặt hạn chế và thu được hiệu quả tối đa từ phương pháp học này, thì nhất định người giáo viên phải tạo được sự hứng thú cho các em học sinh.

Là giáo viên phụ trách bộ môn toán của khối lớp 9 trường THCS Nam Cường (tỉnh Nam Định), thầy giáo Vũ Ba Sao chia sẻ: “Việc thay đổi phương pháp dạy và học một cách nhanh chóng đã khiến các thầy cô giáo phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Trong đó vấn đề người giáo viên trăn trở nhất là làm sao để có thể nâng cao chất lượng giờ học, tức là phải giúp các em học sinh nắm rõ, hiểu được và có thể vận dụng kiến thức thành thạo”.

Thực tế cho thấy, một số lượng không nhỏ các em học sinh vẫn còn lúng túng, bỡ ngỡ với phương pháp học tập mới. Nguyên nhân là do trình độ nhận thức, sự thích nghi cũng như lực học của mỗi em là khác nhau.

Nếu mỗi giờ học online chỉ đơn thuần là việc nghe và nhìn kiến thức thông qua các thiết bị điện tử rất dễ tạo cảm giác bí bách, nhàm chán cho người học. Đó là chưa kể tới vấn đề tốc độ đường truyền chưa thực sự được đảm bảo, khiến cho việc kết nối internet chập chờn làm việc học đứt đoạn.

 Với kinh nghiệm của mình thầy Vũ Ba Sao cho rằng: “Muốn thu hút sự tập trung của các em học sinh vào bài học, thì việc trình bày nội dung kiến thức trên Slide Powerpoint phải được thực hiện một cách rõ ràng, rành mạch tạo sự thu hút người học. Nói cách khác người giáo viên phải khai thác triệt để thế mạnh của việc dạy học bằng công nghệ thông tin”.

Để có được những Slide Powerpoint truyền tải kiến thức một cách sinh động, bắt mắt thì quá trình chuẩn bị sẽ mất rất nhiều thời gian. Điều này đòi hỏi ở người thầy sự tận tâm và cực kỳ tỉ mỉ. Nói về vấn đề này, thầy Sao đưa ra giải pháp: “Rất nhiều bài giảng người giáo viên phải cẩn thận chuẩn bị tới khi trời đã rạng sáng. Và để đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình giảng bài các giáo viên trong trường sẽ thường xuyên trao đổi, chia sẻ với nhau về những phương pháp hay, cách làm dễ hiểu”.

Riêng đối với bộ môn toán, thầy Sao băn khoăn: “Khó khăn lớn nhất là hướng dẫn các em học sinh vẽ hình. Đây là một kỹ năng quan trọng giúp học sinh phân tích, tìm ra hướng giải theo yêu cầu của đề bài. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khi giáo viên thực hiện thao tác trên máy tính và muốn kiểm tra từng em một thì sẽ mất rất nhiều thời gian, dễ ảnh hưởng tới chất lượng buổi học”.

Bên cạnh đó, các thầy cô giáo nên khuyến khích các em thảo luận, trao đổi về nội dung bài học ngay trong giờ học để không khí lớp học luôn sổi nổi, tạo hứng thú cho học sinh. Đây là phương pháp không mới thế nhưng lại giúp người học duy trì sự tập trung vào bài học.

Một vấn đề các thầy cô giáo cũng nên lưu tâm, đó là việc ổn định lớp học trực tuyến thường mất nhiều thời gian hơn so với lớp học truyền thống. Điều này tuy có làm cho thời gian thực hành cho việc học bị rút ngắn lại nhưng giáo viên đứng lớp hãy luôn có một quỹ thời gian để trò chuyện cùng với các em. Có như thế, thầy cô giáo mới giúp các em học sinh của mình giữ được tâm lý thoải mái và chủ động hơn trong các buổi học.

(Theo VŨ MỪNG – BÁO GIÁO DỤC THỜI ĐẠI)